Huế – rạo rực chuyến đi đầu tiên

Lúc ấy là tháng 2, tính ra đã yêu nhau được 2 tháng, chúng mình mon men nghĩ đến chuyến đi đầu tiên của hai đứa. Đợt ấy mùa xuân, gió xuân mưa xuân mơ mộng thế nào, mà nghĩ ngay đến là đi Huế. Sau đấy, anh Gấu lại nghĩ ra trò cực xịn là thuê chụp ảnh đôi, lúc mới đầu mình lẩm bẩm: “Sao cầu kỳ thế, làm như chụp ảnh cưới đồ đến nơi…”, cơ mà cuối cùng lại hào hứng và chốt vụ đấy, nên giờ mới có một kho ảnh đẹp làm blog nè.

Thế là, ngày rời kinh đô hiện tại (Hà Nội) về kinh đô lịch sử (Huế) được ấn định vào 25-28/3. Đầu tháng 3, chúng mình bắt đầu lục tục chuẩn bị đặt vé, đặt homestay, lên lịch trình đi, chuẩn bị list món thích ăn… và đầu tư nhất là thời gian lên outfit cho bộ ảnh.

Và câu chuyện mấy ngày ở Huế bắt đầu.

Cảnh ở Huế

Huế đón chúng mình bằng cơn mưa đầy nắng buổi chiều.

Mưa trên phố Huế của người ta thì âu sầu da diết, ấy là vì mưa cứ lâm thâm u trầm, còn mưa của chúng mình rào rào long lanh nắng hoàng hôn.

Đại Nội

Nổi bật ở Huế vẫn là những kiến trúc cổ còn lưu lại, mà đầu tiên phải kể là Đại Nội.

Trong trung tâm được quy hoạch gọn gàng của thành phố, có Đại Nội với đất rộng cò bay thẳng cánh là tổ hợp nhiều khu kiến trúc cổ nhất của thời phong kiến. Son thế nào mà hôm chụp bộ ảnh trong Đại Nội lại chính là 26/3, ngày giải phóng thành phố, Đại Nội mở cửa tự do để người dân ra ra vào vào hưởng ứng không khí giải phóng. Lại vì đi với anh nháy người con của Huế nên coi như chúng mình có một tour guide yêu quê hương. Đi một vòng, đến điện nào, cung nào, lâu nào được kể chuyện nơi ấy. Dù giờ mình quên cơ số, nhưng bộ ảnh còn lại vẫn ghi đủ góc chúng mình chụp nha.

“Hẹn nhau ở cổng thành – không gặp không về”
Thơ thẩn dắt tay nhau trên Ngọ Môn
Đôi bạn trẻ giao lưu võ thuật dưới tán cây. Gió thổi vi vu, lá kêu xào xạc, thật là
kím hịp quá chứ hả!
Bên ngoài trường lang – hành lang dài nổi tiếng trong Đại Nội với các cột và cửa sơn son thếp vàng. Hôm đó đông quá nên chúng mình chỉ chụp bên ngoài.
Bãi đất bên cạnh trường lang – là tàn tích của Điện Càn Thành sau chiến tranh
Cảnh quan từ Điện Minh Thận
Đây là vòng tham quan của 2 đứa. Xem lại mà thấy rạo rực muốn đi tiếp để thăm hết các kiến trúc Đại Nội

Cung An Định

Cung An Định có kiến trúc sang trọng. Đi từ ngoài vào là cổng chính, đình Trung Lập và Lầu Khải Tường với kiến trúc chuyển giao dần từ Đông sang Tây.

Cổng là cổng tam quan cao được chạm khắc tỉ mỉ với nhiều chi tiết rồng phượng, tạo cảm giác nghiêm trang và kín đáo.

Đến khi chúng mình bước vào trong, mọi thứ trở nên nên thơ hơn với khoảng sân rải sỏi nhiều cây cảnh, toà lâu đài với kiến trúc Roman trang nhã và màu vàng dịu mắt.

Đình Trung Lập nằm giữa sân trước, có tượng Khải Định ở trong (vì cung An Định vốn được xây bởi ông).

Tiếp theo là Lầu Khải Tường – chính là toà lâu đài mình nói ở trên, là nơi sinh sống của vua và gia đình họ. Bên trong lâu đài là nội thất được trang trí đậm chất Tây phương: tranh tường, tranh trần, các chi tiết ve trần, khung cửa, khung tranh… nhưng lại có nhiều bức bích hoạ về cảnh Việt Nam. Ở bên ngoài lâu đài thì giơ máy là có ảnh đẹp, nhưng bên trong thì… không được chụp ảnh nha. Có lẽ họ muốn giữ những chi tiết này: bạn muốn ngắm thì bạn phải vào cơ. Tuy nhiên nháy của chúng mình cũng đã “tranh thủ” được 1 đoạn cầu thang để chụp cho chúng mình.

Mặt trước lầu Khải Tường
“Romeo và Juliet” bên cửa sổ
Góc cầu thang “tranh thủ” bên trong lâu đài – tranh tường everywhere
Vườn dạo đằng sau khu kiến trúc

Lăng Minh Mạng

Chúng mình lên đường đi lăng vào khoảng giữa trưa, sau khi đá bát bún thịt nướng và cốc chè sen ở chợ Đông Ba. Quãng đường di chuyển hơn 10km nắng to, nhưng khi đến gần khu lăng thì có núi non cây cối rợp mát.

Lăng Minh Mạng có kiến trúc Nho giáo, với những công trình đối xứng, những bậc thềm đá, hồ nước xen kẽ, những mái ngói và những cánh cửa sơn son. Anh HG thích kiểu này nên đến đây thì thích mê. Ở lăng Minh Mạng yên tĩnh hẳn so với Đại Nội, giờ đó gần như chỉ có chúng mình, tha hồ thăm thú. Cùng với không khí mát mẻ ở vùng có núi, có hồ, cảm giác đây đúng là nơi để nhà vua nghỉ ngơi, thư giãn.

Cảnh quan tại lăng Minh Mạng với nhiều màu đỏ, gạch ngói và cây đại

Lăng Khải Định

Lăng Khải Định có diện tích nhỏ, chỉ có một cung là Cung Thiên Định. Kiến trúc ở đây kiến mình thích thú nhất trong các lăng, cung đã kể ở trên, bởi sự kết hợp độc đáo giữa các lối kiến trúc Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique… và những chi tiết trang trí tinh xảo.

Ở đây anh Hưng mua được bộ sưu tập tiền đồng Đông Dương. Là người thích tiền, nên mua được tiền anh ta vui thấy rõ.

Hưng Gấu và bộ tiền cổ Đông Dương
Lăng Khải Định có sử dụng nhiều chất liệu đá, cẩm thạch. Trong Cung
Thiên Định nhiều chi tiết được trang trí với gạch men.

Ga Huế

Ga Huế nhỏ nhắn xinh xắn với nước sơn màu đỏ. Không nhiều góc chụp, nhưng chúng mình thích cảnh ở ga nên cũng ghé qua.

Cầu Trường Tiền (Tràng Tiền)

Cầu Trường Tiền là đặc trưng của Huế rồi, đã có bao nhiêu tác phẩm nói về cầu và con sông Hương. Các bạn nhỏ ở thành phố mà làm đề văn tả con sông thì hẳn là có sẵn chất liệu, bởi mình thấy sông Hương rất gắn liền với cuộc sống người dân ở đây – bắc qua giữa thành phố, lại có những con đường đi bộ để người dân hằng tối dạo chơi hóng mát.

Bến nước chùa Linh Mụ (Thiên Mụ)

Chúng mình chạy đến chùa Linh Mụ đúng lúc hoàng hôn, không kịp vào chùa nhưng kịp xuống bến nước để làm bộ ảnh tuổi xuân – mình thì áo dài trắng, anh thì sơ mi cắm thùng. Thực sự lựa chọn này cũng rất xịn, bầu trời hoàng hôn đẹp và màu sắc, chúng mình còn tìm được một góc đường nhìn như lala land chứ!

Rừng Rú Chá, phá Tam Giang

Ngày cuối ở Huế, bọn mình quyết định đến phá Tam Giang xem ngầu lòi đến đâu, vì đã có câu: Thương em anh cũng muốn vô/Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.

Cái ngày bọn mình đi chắc kịch tính y như câu thơ trên, bởi vì trời bắt đầu âm u, trở gió. Trải nghiệm thì không thích thú và ảnh không được đẹp như những ngày trời nắng (các bạn search Rừng Rú Chá thì sẽ thấy rất nhiều ảnh lung linh), nhưng cũng rất đặc biệt vì lần đầu tiên chúng mình đã cùng nhau băng băng qua những đồng không mông quạnh, những hồ nước mặt rộng lớn, còn ra tận bờ biển để nghịch nước. Từ kè đá Hải Dương quay về, chúng mình đi nhầm đường (đường làng mà cũng nhầm), còn phải băng qua bãi cát, đi lòng vòng trong làng, qua cả nghĩa trang với nhiều ngôi mộ chạm khắc cầu kỳ bằng gạch men, mới trở lại được đường cũ.

Sau chuyến đó, về Hà Nội mình bị trúng gió, giờ nghĩ lại vẫn còn cảm giác rờn rợn như đi qua một nơi đầy bão tố :’>

Con đường quanh co trong rừng ngập mặn Rú Chá. Nếu ngày nắng đẹp và kết hợp với photoshop chúng ta sẽ có 1 pic “Con đường màu xanh”.
Kè đá Hải Dương – nhìn là thấy trời âm u rồi

Ăn ở Huế

Cơm nhà

Món đầu tiên mình ấn tượng đó là… bữa cơm. Hôm đầu tiên chụp ảnh, bạn nháy trẻ và giản dị đã giới thiệu chúng mình đến đây. Thực ra đến đâu mình cũng thích ăn cái người địa phương hay ăn. Tuy bữa cơm không đặc biệt, nhưng chúng mình được nếm thử bữa ăn bình thường của người Huế, ở một quán toàn người Huế ăn.

Quán Mâm cơm nhà

Bún thịt nướng

Đến Huế thì phải kể đến bún bò – mình cũng ăn bún bò rồi và chỉ thấy chân giò của nó to ghê :DD Cơ mà có món bún này – bún thịt nướng – là mình sẽ phải ăn lại nếu tiếp tục đi Huế.

Thịt nướng ở đây chỉ là lát mỏng, quấn vào que thành xiên thịt nhỏ, nướng chỉ nhanh nên vẫn còn mềm. Mà quan trọng là nước sốt, từ đậu tương nhưng không phải tương – hình như là chỉ để lên men xổi thôi. Mình ăn thấy đặc biệt nên hỏi ngay cô chủ quán, cô thấy mình hỏi thì tươi cười trả lời mập mờ, nên mình cũng không chắc lắm.

Chúng mình ăn bữa này ở chợ Đông Ba, bát bún của mình bên trái

Chè sen

Ôii, ăn cốc chè sen làm mình nhớ luôn món hạt sen ở Huế. Chè thì loãng, nước ngọt kiểu cổ truyền thôi, nhưng hạt sen gì mà ngon, cứ thơm, bùi với bở ra! Chúng mình ăn chè cũng ở chợ Đông Ba, chắc hạt sen ở Huế nó vậy. Nhưng khi mình thèm quá và mua cân hạt sen về, thì mua phải loại hạt không ngon (ở cửa hàng bán đồ lưu niệm). Nếu có dịp đi Huế tiếp, chắc chắn phải ăn món này vài lần.

Bánh khoái cá kình

Món này thì chắc chắn là đặc biệt rồi. Nguyên con cá ở giữa cái bánh chắc các bạn ít khi thấy! Nếu có ăn lại, đối với mình sẽ là ăn… kỷ niệm nhiều hơn là vì ngon, bởi vì đã lặn lội, lục lọi tìm kiếm để đến được đây.

Bánh khoái cá kình làng Chuồn

Ngoài những món đối với mình là đặc biệt đã kể trên, chúng mình cũng đã ăn những món bánh bột lọc, bánh ram ít, bánh nậm, bánh bèo, chè heo quay, chè khúc bạch, cơm hến, bánh đa hến (mình chẳng khuyến khích ăn cơm hến tẹo nào, mình đã được cảnh báo trước nhưng vẫn cố thử và kết quả là huhu), chúng mình cũng ăn một quán ở phố đi bộ – 912 Factory – đồ ăn khá ngon.

Ở… ở Huế

Lama homestay

Siêu hài lòng vì chuyến đầu đi với nhau book được một homestay dễ thương. Đó là lần đầu tiên mình dùng Agoda để chọn homestay, kinh nghiệm tìm kiếm chưa có nên mình đã dành rất nhiều thời gian quẹo lựa, từ đầu còn book một nhà và người ta nhắn huỷ giùm vì hôm đó nhà người ta có cỗ. Book xong Lama mình cũng không kỳ vọng lắm, được cái nhìn sạch sẽ và giá cũng tốt, lúc đó homestay chưa đưa nhiều ảnh lên, chỉ chụp một số góc decor.

Nhưng, khi chúng mình đến thì cảm nhận hơn thế rất nhiều. Nhà sạch, đẹp, được decor nhiều bởi sách, tranh, cây. Anh chủ thì ít nói, nhưng là người làm trong ngành dịch vụ (về sau chúng mình tò mò nghề nghiệp của ảnh bởi thấy nhà nhiều sách kiến trúc, nên mới hỏi), nên tỉ mỉ chu đáo. Phòng được dọn mỗi khi chúng mình đi ra ngoài và được bổ sung nước, khi mình mượn cái bàn là, anh chủ sẽ mang lên và để ngoài cửa, rồi nhắn mình chứ không gõ cửa. Anh ấy còn là con người thể thao (chạy bộ, đạp xe, chèo thuyền) – cái này không liên quan gì đến việc ở nhưng mình thấy cảm tình =D

Ở phòng mình còn có một quyển journal A4 trắng tinh, để khách ghi chép lại hành trình đi Huế. Nhờ đấy chúng mình đọc được mẩu chuyện của nhóm 4 bạn nữ đi chơi với nhau, và chúng mình cũng bổ sung câu chuyện của chúng mình bằng chữ, hình vẽ nữa. Chỉ có điều hôm cuối về muộn quá, chúng mình chưa kịp hoàn thành thì đã phải ra sân bay. Không biết có nhóm nào đến đọc truyện của chúng mình và thấy vui chưa nhỉ?

Ấy là về chuyến đi xa đầu tiên của 2 đứa, chuyến đi của 2 kẻ mới iu chưa hiểu nhau lắm. Chuyến đi giúp chúng mình hiểu nhau hơn từ trò chơi A or B anh Hưng bày ra tối hôm đầu tiên, hiểu cách đi cách ở. Đi 3 ngày, cũng có lúc dỗi nhau, nhưng kỷ niệm vui và thú vị thì rất nhiều. 2 đứa kết luận là vẫn muốn tiếp tục đi với nhau dài dài, trộm vía là chuyến phá băng đã thành công tốt đẹpp.